Luận giải Phong thủy cổ truyền bằng Khoa Học – Phần 1

Nguồn gốc Phong thủy cổ truyền
“Thuật phong thủy hình thành rất sớm, có thể nói gần như cùng với sự ra đời của loài người. Ngay từ thời thượng cổ con người đã chú ý đến ảnh hưởng của hoàn cảnh tự nhiên đối với nơi cư trú của loài người, nên đã tiến hành lựa chọn một cách có chủ đích. Nguyên sơ của phong thủy là những kinh nghiệm về sinh hoạt như khoét đá, đào hang, làm nhà…
Từ cuộc sống thực tế, phải chống chọi với thú dữ, chống lại cả sự tấn công của đồng loại, phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, con người đã biết chọn những vị trí cư trú có núi non che chở bao bọc, lại gần sông ngòi, nguồn nước.
Từ thời thượng cổ, con người sống theo lối du canh, du cư, trải qua một quá trình tiến hóa đến định canh, định cư và mới bắt đầu chú ý đến nơi ăn ở sao cho thích hợp, chọn địa điểm cư trú làm sao cho tiện lợi rồi tiến tới kiến tạo phòng ốc để ở cho thật an lành, thoải mái, giàu có…
Những kinh nghiệm về cư trú được tích lũy từ đời này qua đời khác đã hình thành nên phong thủy học.
Thời sơ kì, con người chọn đất làm nhà, chủ yếu là muốn an toàn. Thường phải chọn nơi đất cao ráo vì sợ lũ lụt hoặc thú dữ tấn công. Để tránh mưa to, gió lớn, người ta dần dần biết cách chọn vùng đất hướng về Mặt Trời, khuất gió.
Tại Trung Quốc, từ đời nhà Chu, con người đã đặc biệt chú trọng nơi cư trú. Con người đã biết chọn đất xây nhà tại vùng bình nguyên, đây là vùng đất màu mỡ, có thể canh tác nông nghiệp thuận lợi. Gần nguồn nước mà vẫn tránh được lụt lội, tai hoạ thời tiết, thiên tai.
Thời kì Tiên Tần, do trình độ khoa học còn thấp, các hình thức bói toán dự đoán cát hung thịnh hành trong xã hội gắn liền với hoạt động xây dựng nhà ở và mai táng. Các văn hiến như Bốc trạch, Bốc cư, Bốc lạc phản ánh tình hình đương thời.
Đồng thời các học thuyết âm dương, ngũ hành, bát quái Chu Dịch, Thiên văn Hà Lạc cũng phát triển mạnh, áp dụng vào lĩnh vực Bốc trạch, Bốc cư, (bói chọn nhà ở và mồ mả). Phong thủy nhờ đó có được cơ sở tư tưởng triết học cần thiết.
Thời Lưỡng Hán, đã xuất hiện các trước tác về phong thủy như Cung trạch địa hình, Kham dư kim quý. Các học thuyết Hình pháp gia, Kham dư gia cũng mang nội dung phong thủy. Mối quan hệ giữa nhà ở và mồ mả với cát hung họa phúc của con người đã trở nên rất mật thiết, đồng thời xuất hiện những người chuyên thực hiện hoạt động phong thủy. Điều này gắn liền với vô số sấm vĩ (câu sấm) và hàng loạt điều cấm kỵ mang tính chất mê tín đang thịnh hành trong xã hội đương thời.
Thời kì Ngụy Tấn Nam Bắc triều, quan niệm nhà ở và mồ mả gắn với cát hung họa phúc của con người được tầng lớp sĩ đại phu tiếp nhận rộng rãi, thậm chí vua chúa cũng hoàn toàn tin vào thuật phong thủy.
Tại Việt Nam, phong thủy có từ thời vua Hùng, các cung điện đền thờ đều được xây dựng với sự hợp lý cao về phong thủy. Đặc biệt trong các đền thờ còn có ban thờ tôn vinh nền phong thủy của người Việt cổ.
Trải qua lịch sử phát triển của các triều đại, đời nào cũng có những học giả kế tục và phát triển thuật phong thủy.
Trong lịch sử phát triển, thuật phong thủy hình thành nên nhiều trường phái khác nhau, mỗi trường phái có phương pháp lý luận và ứng dụng riêng, dựa trên những suy luận khác biệt nhau, thậm chí có khi đối lập nhau. Cho đến nay, phong thủy vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, thống nhất vẫn còn mang nhiều sự huyền bí.” (Nguồn: Wikipedia).
(Xem thêm về Phong thủy cổ truyền tại đây).
Về tên gọi: Phong thủy, về mặt từ nguyên, ‘Phong’ có nghĩa là ‘gió’ là hiện tượng chuyển động của không khí; ‘Thủy’ có nghĩa là ‘nước’, đồng thời là ‘dòng nước’, tượng trưng cho vị trí, địa thế.
Trong loạt bài “Luận giải Phong thủy cổ truyền bằng Khoa học”, chúng ta sẽ cùng nhau tham khảo những lý thuyết về Phong thủy cổ truyền cũng như những lý giải khoa học cho những lý thuyết này. Trong phần 1 này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu chữ ‘Phong’ trong Phong thủy cổ truyền.
Phong – Gió
Theo phong thủy cổ truyền
‘Gió’ – là một yếu tố mà con người có thể dễ dàng nhận biết. Điểm qua các triết gia Trung Quốc thời xưa, họ cũng có những nhận thức và lý giải về ‘gió’ hết sức thi vị và thú vị. Có thể kể đến như Trang Tử trong “Tiêu dao du” viết “Đất thở dài, hơi thở thành gió”.
Theo phong thủy hiện đại
Gió là gì?
Gió đơn giản là luồng không khí chuyển động. Mặt trời làm nóng một số phần của Trái đất hơn những phần khác và gió trải đều lượng nhiệt này đi khắp thế giới.
Gió thổi như thế nào?
Không khí chuyển động do sự chênh lệch áp suất trên toàn thế giới. Không khí nóng thường nhẹ và bay lên trên để lại sau nó một khu vực với áp suất thấp như ở vùng xích đạo. Không khí lạnh nặng hơn và lắng xuống tạo nên vùng có áp suất cao như Bắc cực và Nam cực.
Không khí thổi từ vùng có áp suất cao đến vùng có áp suất thấp nhưng không đi theo đường thẳng từ cực đến xích đạo mà bị lệch hướng theo vòng quay của trái đất. Trái đất quay quanh trục của mình và điều này ảnh hưởng đến hướng gió. Ở bán cầu Bắc, gió thổi lệch sang bên phải, gió ở bán cầu Nam thổi lệch sang bên trái. Người ta gọi hiện tượng này là hiệu ứng Coriolis.
Sự hình thành gió
Chúng ta ở trong phòng, khi mở cửa sẽ cảm nhận được sự chuyển động của không khí. Vào những ngày hè oi ả, có những lúc ta cảm thấy bức bối, khó chịu, chỉ cần trong phòng có sự lưu thông của không khí, ngay lập tức sẽ cảm thấy mát mẻ, sảng khoái.
Chúng ta thường gọi sự chuyển động của không khí là gió. Vậy gió được hình thành như thế nào?
Bề mặt địa cầu được bao bọc bởi một lớp khí quyển dày, xung quanh chúng ta đều là không khí, và chúng ta hít không khí để sống. Do nhiệt độ phân bố trên vỏ Trái đất không đều, do đó nhiệt không khí có nơi thấp, nơi cao.
Không khí gần mặt đất giãn nở, chất lượng của một đơn vị thể tích không khí cũng không như nhau, khí nóng nhẹ bay lên trên, khí lạnh ngay lập tức tràn vào lấp đầy, hiện tượng này sinh ra gió.
Nếu phạm vi của không khí nóng lớn, không khí bay lên nhiều, lượng không khí lạnh tràn vào lấp chỗ trống nhiều, phạm vi di chuyển của không khí rộng, di chuyển nhanh, khi đó sẽ sinh ra gió lớn. Nếu không khí nóng bay lên ít, khí lạnh bổ xung không nhiều, tốc độ chậm, sẽ chỉ sinh ra gió nhẹ.
Ví dụ, những người sống ven biển vào mùa hè sẽ thấy rằng gió từ đại dương thổi vào đất liền, còn ban đêm gió sẽ thổi ngược từ đất liền ra. Bởi vì ban ngày, nhiệt độ trong đất liền cao, nhiệt độ không khí ngoài đại dương thấp nên gió thổi từ đại dương vào. Còn ban đêm, tình hình trái ngược, nên gió sẽ từ đất liền thổi ra biển. Loại gió có quy luật ngày đêm ở biển như vậy thường là gió nhỏ có tính khu vực.
Mùa đông, nhiệt độ không khí trên biển tăng cao, còn trong đất liền thấp nên gió thổi từ đất liền ra biển. Mùa hè, nhiệt độ không khí trong đất liền cao, không khí bốc lên, nhiệt độ không khí trên biển thấp hơn trong đất liền, sau khi không khí trong đất liền bay lên, không khí ngoài biển thổi tới để lấp chỗ trống, gió sẽ từ ngoài biển vào. Lưu lượng của không khí lớn, phạm vi rộng, thời gian dài, tốc độ nhanh nên chúng thường là gió to.
Cấp của gió
Mỗi ngày đài phát thanh và truyền hình đều phát vài lần mục dự báo thời tiết, thông báo ngày nắng đêm mưa, có gió hay không gió và nếu có thì sẽ cho chúng ta biết cấp của chúng. Vậy cấp của gió được xác định như thế nào?
Học sinh đến trường được chia thành cấp I, cấp II…gió cũng được phân ra nhiều cấp từ thấp đến cao để biểu thị sức gió. Thông thường chúng ta chia gió thành 13 cấp (từ 0 – 12). Gió cấp 0 là gió tĩnh, nghĩa là không có gió, khói từ trong ống khói có thể bay thẳng lên trên. Gió cấp 1, cấp 2 là gió nhẹ, khói từ ống bay ra có thể giúp ta xác định hướng gió, nhưng ta thực sự vẫn không cảm nhận được rõ rệt hướng của gió, cũng như sự lưu động của không khí.
Gió cấp 3, cấp 4 làm xao động cây lá, tạo ra âm thanh xào xạc, gió cấp 5 có thể tạo ra những gợn sóng trên mặt hồ. Gió cấp 6, cấp 7 được coi là gió mạnh, có thể làm gãy đổ cành cây nhỏ, lay động các cây lớn. Gió cấp 8, cấp 9 đặc biệt mạnh, gió thổi khiến cho người không thể đi trên đường, các công trình kiến trúc bị phá hoại.
Gió cấp 10 đến cấp 12 được gọi là cuồng phong, trên đất liền ít gặp, nó có thể nhổ bật rễ các gốc cây to, phá huỷ các công trình kiến trúc…
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đòi hỏi con người càng phải tính toán chính xác hơn cấp độ của gió. Để đo đạc cấp độ của gió, phải căn cứ vào cự li mà gió đã đi qua trong một giây hay một giờ đồng hồ.
Ví dụ vận tốc gió của gió cấp 12 là 33 – 34 m/s. Trên thực tế, gió trong tự nhiên vượt xa cấp 12, vì thế mà người ta nâng lên 17 cấp. Nhưng có loại gió như vòi rồng, tốc độ của nó có thể đạt từ 100 – 200 m/s. Lại có gió trên lục địa Nam Cực với tốc độ là 100 m/s, vượt xa cấp 17. Chỉ có điều trên lục địa Nam cực không có người sinh sống, cũng như phạm vi của vòi rồng rất nhỏ và cũng ít gặp.
Việc chia cấp độ cho gió cũng có mục đích rất lớn đối với đời sống, sản xuất của con người. Thời điểm cuối thu, đầu đông thường chính là lúc thu hoạch mùa màng, kịp thời dự báo chuẩn xác về gió, về nhiệt độ, làm tốt công tác phòng chống băng giá, chắc chắn sẽ giảm thiểu những thiệt hại do thời tiết gây ra.
Khi ở trên biển, nên dự báo chính xác về hướng gió, sức gió ở tâm bão thì chắc chắn sẽ giúp người đi biển tránh được đường đi của bão, hay kịp thời tìm nơi trú ẩn, các giàn khoan trên biển cũng có thể làm tốt công tác chuẩn bị tránh bão giảm thiểu tới mức thấp nhất hoặc có thể ngăn chặn toàn bộ những thiệt hại do bão gây ra.
Thang gió Beaufort: do đô đốc Beaufort xây dựng vào năm 1805 để đo vận tốc gió. Thang này mới đầu để sử dụng trên biển nhưng sau đó đã được điều chỉnh để sử dụng cả trên đất liền.
Bảng dưới giới thiệu thang gió dùng trong đất liền:
Cấp gió | Sức gió | Tốc độ (km/h) | Tác động |
0 | Gió nặng | 0 – 1 | Khói lên thẳng |
1 | Gió nặng | 1 – 5 | Khói lay động |
2 | Gió nhẹ | 6 – 11 | Cảm thấy gió lướt qua mặt lá lay động |
3 | Gió nhỏ | 12 – 19 | Càng con lay động, cờ phất nhẹ |
4 | Gió vừa | 20 – 29 | Bụi và giấy bay,cành nhỏ lay động |
5 | Gió khá mạnh | 30 – 39 | Sóng lăn tăn trên nước ở đất liền, cây nhỏ lay động |
6 | Gió mạnh | 40 – 50 | Cành lớn đu đưa, ô bị lật từ trong ra ngoài |
7 | Gió to | 51 – 61 | Cây đu đưa, đi ngược gió rất khó |
8 | Gió rất to | 62 – 74 | Cành con rơi xuống, đi bộ rất khó |
9 | Gió dữ | 75 – 87 | Ống khói, gạch ngói trên mái rơi xuống |
10 | Gió rất dữ | 88 – 101 | Cây bị bật rễ, vài hư hại cho nhà cửa |
11 | Bão | 102 – 117 | Hư hại nặng cho nhà cửa |
12 | Bão lớn | Trên 119 | Tàn phá nặng nề |
(Còn nữa)
(Trích dẫn từ sách: “Phong Thủy Hiện Đại” – TS. Vũ Văn Bằng)
Công Ty CP Nghiên Cứu Môi Trường Tia Đất Bảo Vệ Sức Khỏe
Quang Đức
(Quý khách hàng có nhu cầu liên hệ công việc vui lòng liên hệ số: 0914 374 333 – 0913 203 452 hoặc gửi thông tin cho chúng tôi TẠI ĐÂY. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!)