Luận giải Phong thủy cổ truyền bằng Khoa Học – Phần 2

Thủy – Nước
Theo phong thủy cổ truyền
“Chảy” là phương thức vận động chính của nước, nó luôn tự tìm con đường ít cản trở nhất để đổ từ sông suối ra đại dương – nơi chúng được hòa nhập với sóng và thủy triêu. Nước – hành thủy tượng trưng cho công việc, nó tinh lọc và làm trong mát lại, làm phục hồi lại sự sống trên trái đất.
Các lục địa được nước bao bọc, hầu hết con người sống gần với nước như ao hồ, kênh rạch, biển, thậm chí bị nước vây quanh như các hòn đảo các thành phố như Amsterdam, Venice… nên tất cả chúng ta đều chịu sự “thống trị” của nước.
Nước – được gọi là “Thủy mẫu” (mẹ nước), là “Thủy bá” (bác nước), là “Thủy thần” (thần nước). Quán tử – Thủy địa nói, nước là “nguồn gốc của vạn vật, là thủy tổ của sinh vật”. “Sơn hải kinh – Hải ngoại đông kinh” viết: “Khe Triều Dương, gọi thần là Thiên Ngô, chính là Thủy bá”. Thủy bá có tám đầu, mặt như mặt người. Nữ thần sông Lạc tên gọi Mật Phi, nữ thần Trường Giang tên gọi Giang Phi, là nữ thần sông. Tương tên gọi Tương Quân, thần Đông Hải tên gọi Ngẫu Hổ… Ngoài ra, còn có thần hồ, suối, giếng, bầu (ao chuông lớn)…
Tóm lại, “nước có ảnh hường sâu sắc đến đời sống con người. Nước đem lại họa phúc cho con người. Nước dùng để ăn, uống, giặt giữ, tưới tắm. Đồng thời nước gây lụt lội, xói lở đất, tàn phá nhà cửa, dìm chết người và súc vật… Con người vừa mang ơn nước vừa sợ nước nên gọi là “thần nước” – Vương Ngọc Đức, viết. Như vậy, về cơ bản phong thủy cổ vẫn nặng về thần thánh hóa đối tượng này.
Hơi thở của rồng. Người Trung Quốc tin rằng, rồng tạo mây bằng hơi thở của mình và làm ra mưa. Mưa rơi khi rồng bay trên mây và khi xuống đất thành nước.

Theo phong thủy hiện đại
Tầm quan trọng của Nước
Cũng như không khí và ánh sáng, nước không thể thiếu được trong cuộc sống của con người. Nước là một trong hai thành phần thiết yếu của sự sống đứng sau không khí. Như vậy, nước có ý nghĩa đặc biệt với sự sống, không thể có sự sống nếu như không có nước. Nước ở dạng vật chất độc đáo và khá phổ biến trên hành tinh của chúng ta. Nước có thành phần hóa học bao gồm hai nguyên tử Hydro và một nguyên tử Oxy.
Vì nước tối cần thiết như vậy nên nước là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt quan trọng. Ngay từ buổi đầu mới hình thành xã hội loài người đã biết dự trữ và sử dụng nước để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của mình.
Trong quá trình hình thành sự sống trên trái đất thì nước và môi trường nước đóng vai trò rất quan trọng. Nước tham gia vào quá trình tái sinh thế giới hữu cơ. Nguồn gốc của sự hình thành và tích lũy chất hưu cơ sơ sinh là hiện tượng quang hợp được thực hiện dưới tác dụng của năng lượng mặt trời với sự góp phần của nước và không khí.
Trong quá trình trao đổi chất, nước có vai trò trung tâm, những phản ứng lý hóa diễn ra với sự tham gia bắt buộc của nước. Nước là dung môi của rất nhiều chất và đóng vai trò dẫn đường cho các muối đi vào cơ thể, nước phục vụ nhu cầu thiết yếu cho con người, đồng thời còn có vai trò điều tiết các chế độ nhiệt, ánh sáng, chất dinh dưỡng vi sinh vật, độ thoáng khí trong đất – đó là những nhân tố quan trọng cho sự sống và phát triển của thế giới.
Thống kê về nước trên Trái đất
Tổng lượng nước trên trái đất có khoảng 1.390.000.000 km, trong đó 97,2% trên các đại dương; 2,2% trên các cực và cuối cùng chỉ có 0,6% trên các lục địa. Trong đó băng tuyết chiếm 77,2%, còn lại 22,4% nằm ở các tầng sâu dưới vỏ của trái đất (nước ngầm), 0,35% trong các hồ đầm và 0,01% ở sông ngòi.
Ước tính vào bất cứ thời điểm nào, cũng có khoảng 4960 km3 nước nằm trong bầu khí quyển, hầu hết dưới dạng hơi. Nếu tất cả đều đổ xuống thành mưa thì toàn bộ bề mặt trái đất sẽ bị bao phủ 229 cm nước. Nước cũng là thành phần tự nhiên duy nhất tồn tại ở ba trạng thái: rắn, lỏng, khí.
Với tỉ lệ trên, có thể thấy lượng nước dùng cho sinh hoạt và công nghiệp của con người quả thực là quá nhỏ nhoi. Nên trên thế giới rất nhiều vùng bị thiếu nước sạch. Thực tế cho thấy nếu không bảo vệ tốt nguồn nước sẽ dẫn tới tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Vì chỉ cần một nguồn gây ô nhiễm là có thể làm bẩn cả một dòng sông hoặc một khu vực rộng lớn dẫn đến việc nước sạch ngày càng thu hẹp và co lại.
Phân loại Nước
Dựa vào hàm lượng các loại muốn tan trong nước và bản chất của chúng, nước được chia thành hai loại: nhạt (ngọt) và mặn. Nước nhạt là nước mà tổng cộng các loại muối không lớn hơn 1g/L.
Sự vận động của Nước
Nước trong tự nhiên luôn luôn vận động và thay đổi trạng thái. Chu trình vận động của nước hay còn gọi là vòng tuần hoàn của nước là sự vận động của nước trên thạch quyển và khí quyển diễn ra như sau: mưa – dòng chảy – thấm – bốc hơi – ngưng tụ – mưa. Lượng nước bộc hơi hàng năm từ các đại dương vào khoảng 3,5 x 10^14 tấn, từ các nguồn khác 7 x 10^13 tấn.
Nhờ tính chất hóa học mà nước trở thành một dung môi vạn năng, có thể hòa tan các chất khí, muối, hợp chất hữu cơ…
Các loại nước phổ biến
Nước mưa
Nước mưa chiếm khoảng 105.000 km3. Nước mưa nhạt và “sạch” hơn cả, tuy nhiên quá trình ngưng tụ và rơi nước mưa hòa tan các phần tử có mặt trong khí quyển. Tổng lượng chất rắn hòa tan và không tan từ 1-10ppm (part per million – phần triệu). Chất hòa tan chính là clorua, sunfat của natri, kali và magie…
Các chất khí hòa tan trong nước mưa đáng kể là CO2, CO2 phản ứng với nước để tạo thành acid cacbonic, đồng thời với oxy tự do khiến nó trở thành môi trường ăn mòn mạnh (gọi là mưa acid). Ngoài ra còn chứa nhiều nguyên tố, hợp chất khác, có cả kim loại nặng và đồng vị phóng xạ do các vụ thử hay rò rỉ hạt nhân ra khí quyển.
Nước sông suối ao hồ
Nước sông, suối, ao hồ gọi là nước mặt, chiếm khoảng 1200 km3. Nước ngày là hỗn hợp của nước mưa đổ xuống mặt đất, dồn về và nước nước ngầm (dưới mặt đất) dâng lên thành phần rất phức tạp, thường giàu bicacbonic và các hợp chất dễ hòa tan của silic do đi qua nhiều miền đất đá phong hóa (weathering).
Nếu chảy qua miền đá vôi thì giàu canxi (Ca) và magie (Mg), chảy qua nhiều đá sét (phiến thạch) thì lại giàu kali (K). Ở vùng nhiệt đới, ngoài các chất kể trên trong nước còn có nhiều chất hữu cơ (thường ở ngoài thảm thực vật dày đặc, nhịp độ sinh trưởng và phân hủy cao) và các vi khuẩn.
Nước ngầm
Nước ngầm là nước tồn tại trong các tầng đất đá có tính chứa và thấm nước cao của vỏ trái đất hoặc trong các hang động, khe nứt. Nước ngầm có hai loại phân theo nguồn gốc, nước ngầm nguyên sinh được hình thành cùng với quá trình hình thành của tầng đất đá hoặc xâm nhập của các dòng macma và vỏ giữa trái đất.
Nước ngầm thứ sinh được hình thành do nước trên mặt: ao, hồ, sông, suối và nước mưa ngấm xuống rồi dừng lại ở lớp có hệ thấm nhỏ hoặc các túi rỗng mà dưới là các tầng cách nước.
Cũng như nước mặt, nước ngầm có thành phần hết sức phực tạp, ngoài các chất giống như trong nước mặt, nước ngầm còn chứa các nguyên tố hiếm, nguyên tố phóng xạ. Quá trình vận động, nước ngầm hòa tan các khoáng chất của môi trường đất đã mà chúng đi qua nhu cacbonat và silicat. Khi các chất này phản ứng với acid của nước ngầm (tiêu thụ acid) làm cho nước ngầm giàu cation.
Nước biển (nước mặn)
Hàm lượng các muối tan của nước biển dao động từ 32.000 – 37.000 ppm. Có sự dao động này là do ảnh hưởng của mưa và bốc hơi. Các ion chiếm vị trí chủ yếu trong nước biển là clorua, sunfat, natri, kali, canxi và magie, chúng có mặt theo tỉ lệ cố định (trừ canxi). Phần lớn thành phần nước biển bị thay đổi đều do các sinh vật sống hấp thụ các nguyên tố như cacbon dioxit.
Nước mặn tập trung ở bốn đại dương lớn: Thái Bình Dương (~166.224.000km3); Đại Tây Dương (86.551.000 km3); Ấn Độ Dương (73.442.000 km3); Bắc Băng Dương (13.223.000 km3).
Nước đóng băng ở hai cực và núi cao
Nước đóng băng có hai loại: đóng băng vĩnh cửu và đóng băng theo mùa, cả hai loại này chiếm tới 77,2% khối lượng nước ngọt trên mặt đất (khoảng 15,5 triệu km3). Thời kỳ mà chúng ta đang sống là thời kỳ ấm áp bắt đầu từ 10.000 năm trước. Còn thời kỳ gọi là băng hà cuối cách đây 19.000 năm, lúc đó 1/3 bề mặt trái đất nằm dưới lớp băng dày 244m.
Từ năm 1000 – 1200 sau công nguyên thời tiết trở nên ấm áp hơn, tuyết ở Bắc cực tan ra, người ta có thể căng buồm về phía bắc tới Greenland ấm áp hơn ngày nay 1 -4 độ C. Họ cũng có thể vượt Đại Tây Dương sang Bắc Mỹ.
Nước và con người
Môi trường nước rất phức tạp và đa dạng về loại, thành phần và sự phân bố đồng thời có ý nghĩa sống còn đối với con người vì ngay bản thân con người cũng có 70% trọng lượng cơ thể là nước. Để có cuộc sống bình thường, mỗi ngày mỗi người cần uống một lượng nước tối thiểu là 2 lít (chưa kể nước sinh hoạt).
Ngoài ra nước rất cần cho sử dụng rộng rãi ở mọi ngành, mọi lĩnh vực hoạt động của con người, khó có thể tìm thấy một ngành nào không cần đến nước. Nước vừa có thể làm nguyên liệu, dung môi, tác nhân làm lạnh, nguồn năng lượng, chế biến, tẩy rửa… Ví dụ, để sản xuất ra một tấn lúa mì phải có 1500 tấn nước.
Đối với con người, tùy theo điều kiện mức sống ở từng khu vực, từng quốc gia sẽ có nhu cầu về nước sinh hoạt ăn uống khác nhau. Ví dụ ở Vienna (Áo) tiêu thụ 170 L/người, London (Anh) 230 L/người, Paris (Pháp) 290 L/người, Moskva (Nga) 350 L/người. Trong khi đó ở một số nước như Angeri, Hà Lan, Singapore và các nước Ả Rập… đã và đang phải nhập khẩu nước ngọt để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Nước đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa thời tiết khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Nước có nhiệt dung lớn nhất so với các chất rắn và lỏng khác, so với không khí nhiệt dung của nước lớn gấp 3300 lần, đó còn là tính chất đặc biệt để ổn định khí hậu hành tinh. Vào mùa đông nước bị lạnh chậm, khi hóa rắn nó giải phóng ra nhiều nhiệt, hè đến nước bị nung nóng chậm.
Đối với con người, nước còn quan trong hơn cả chất đạm, chất béo, đường, vitamin và muối khoáng. Nếu một người không ăn gì cả, chỉ uống nước suông thì có thể sống được hai tháng, nhưng nếu không uống nước, chỉ sống được không quá một tuần.
Bên trong cơ thể người, chất lỏng chiếm tỷ trọng nhiều nhất, khoảng chừng 50 – 60% thể trọng. Chất lỏng trong cơ thể như máu, tuyến dịch limpha… do nước và một số chất khác tạo nên đã trở thành những “dòng sông, kênh rach” trong cơ thể, vận chuyển chất dinh dưỡng đến các bộ phận.
Nước tham gia vào việc hình thành các dịch tiêu hóa, giúp con người hấp thụ chất dinh dưỡng cũng như tạo thành các chất lỏng trong cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Nước còn giữ cho các phế nang luôn ẩm ướt, có lợi cho việc hô hấp.
Có người còn gọi nước là dầu bôi trơn của toàn bộ xương khớp trong cơ thể, là một chất hoãn xung của hệ thống thần kinh, vì vậy uống nước không chỉ đơn thuần là giải khát. Hàng ngày, uống nước không đủ lượng hoặc do ỉa chảy, nôn mửa, bị sốt cao, xuất huyết… làm cơ thể mất nước quá nhiều sẽ sinh ra chứng mất nước. Khi ấy, cơ quan cảm thụ của cơ thể sẽ truyền đi kích thích, tác động vào “trung tâm khát nước” của khu não dưới, làm cho người ta có cảm giác khát nước.
Đây là một phản xạ tự vệ tích cực, do đo khi bạn thấy khát nước thì phải hiểu rằng cơ thể mình đã xuất hiện nguy cơ thiếu nước và cẩn phải uống bổ sung kịp thời. Nếu không làm như vậy, mất nước sẽ sinh ra bứt rứt, ngủ không yên, kém ăn, dẫn tới tay chân bị tê dại, thở dốc, tim đập nhanh, thân nhiệt tăng cao, thậm chí cơ bắp co giật. Khi bị mất nước đến một độ nhất định có thể gây ra tử vong.
Các nghiên cứu khoa học hiện đại đã chứng minh rằng, bình thường nếu người ta không uống đủ nước sẽ có thể làm cho mỡ trong người tích tụ lại, cơ bắp thoái hóa, thiếu đàn hồi, chức năng tiêu hóa và hô hấp bị suy giảm, các chất thải độc hại ứ đọng nhiều trong cơ thể, gây trở ngại cho quá trình trao đổi chất.
Vì vậy, hàng ngày mỗi người cần phải chú ý uống đủ nước, chớ nên chờ khát mới uống. Đối với người già, lại cần phải uống nhiều nước để tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Như vậy, có thể nói, nước có mặt ở khắp mọi nơi và rất quan trọng. Nước vừa dồi dào nhưng cũng vừa khan hiếm. Có rất nhiều nước trên trái đất này, điều đó không phải bàn cãi. Nhưng nói đến nước sạch cần cho con người và những sinh vật khác để tồn tại thì có vẻ như nhà văn Samuel Tailor Coleridge đã đúng khi viết: “nước, nước có mặt ở khắp mọi nơi nhưng không có một giọt để uống”.
(Còn nữa)
(Trích dẫn từ sách: “Phong Thủy Hiện Đại” – TS. Vũ Văn Bằng)
Công Ty CP Nghiên Cứu Môi Trường Tia Đất Bảo Vệ Sức Khỏe
Quang Đức
(Quý khách hàng có nhu cầu liên hệ công việc vui lòng liên hệ số: 0914 374 333 – 0913 203 452 hoặc gửi thông tin cho chúng tôi TẠI ĐÂY. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!)